Vì sao tháng 1 âm lịch được gọi là tháng Giêng?
Theo các nhà nghiên cứu, chữ Giêng có bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán. Tháng 1 âm lịch được người Trung Quốc rất coi trọng vì là tháng đầu tiên của năm, họ gọi nó là “chính nguyệt”.
Thời Xuân Thu (Trung Quốc) có quy định tháng Một là Chinh Nguyệt. Đến thời Chu, hầu hết các việc quốc gia đại sự được sắp xếp giải quyết trong tháng Một, nên Chinh Nguyệt còn được gọi là Chính Nguyệt. Đến thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng sinh vào tháng Một, lấy tên là Doanh Chính, để tránh tên húy của vua, nên đã ra lệnh đọc Chính Nguyệt thành Chinh Nguyệt và dùng cho đến ngày nay.
Ảnh minh họa
Thực tế các chữ vần "inh" khi “Nôm hóa” hay bị đọc chệch thành vần "iêng”. Chẳng hạn như vần “iêng” trong "trai tứ chiếng, gái giang hồ" - “tứ chiếng” hay “tứ chính” ở đây là 4 hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc. Qua đây có thể thấy rằng inh và iêng này là biểu hiện của yếu tố từ tiếng Việt gốc Hán.
Ngày nay, ở Việt Nam hay Trung Quốc, mùng 1 Tết cũng là ngày mùng 1 của tháng Giêng. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc, không phải lúc nào tháng Giêng cũng được coi là tháng đầu năm. Thời nhà Hạ, tháng Giêng được coi là tháng đầu tiên của năm. Đến thời nhà Thương, tháng đầu tiên của năm được đổi tháng tháng 12. Đến nhà Chu, tháng đầu tiên của năm là tháng 11 Âm lịch.
Mãi đến thời Tây Hán, trật tự các tháng của nhà Hạ mới được khôi phục, cuối cùng người ta xác định tháng Giêng hàng năm là tháng đầu năm, tiếp tục cho đến ngày nay và chưa bao giờ được sửa lại.
Đối với người Việt Nam, tháng Giêng cũng có vai trò rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian có sự kiện quan trọng nhất trong năm là Tết Nguyên đán và là tháng có nhiều lễ hội nhất, gồm các hội đền, hội chùa, hội làng… Vì là tháng khởi đầu của năm nên để “đầu xuôi đuôi lọt”, người Việt Nam mong muốn giữ mọi thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất trong khoảng thời gian này.
Tháng Giêng nên làm gì để thu hút may mắn?Đi chùa đầu năm
Đi chùa đầu năm là một tục lệ truyền thống của người Việt có từ lâu đời. Người ta quan niệm rằng, việc này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn thể hiện lòng thành kính và mong muốn một khởi đầu thuận lợi, an lành cho cả năm mới.
Ảnh minh họa.
Tục đi chùa đầu năm còn là cách để giáo dục thế hệ trẻ trân trọng truyền thống, hiểu hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mình góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa tâm linh, tạo nên sức sống cho tâm hồn và niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Chúc Tết/hái lộc
Những ngày đầu năm mới, các gia đình thường đến chúc Tết nhau hoặc đi hái lộc đầu xuân. Người xưa khi đi lễ chùa cầu may mắn và sức khỏe thường hái về một cành lộc nhỏ tượng trưng cho may mắn năm mới. Tuy nhiên ngày nay, để bảo vệ môi trường, cộng đồng khuyến khích không hái lộc.
Thay vì vậy, những người đi chùa thường mua túi "lộc" chuẩn bị sẵn trong đó có muối, gạo, tiền, câu chúc… Những vật này tượng trưng cho viên mãn, đủ đầy, tiền tài và cả sức khỏe.
Mua vàng trong ngày vía Thần tài
Đầu năm mới, người Việt thường giữ tục lệ mua vàng vào ngày vía Thần tài để cầu may mắn và tài lộc, với niềm tin rằng vàng - biểu tượng của sự giàu sang, phú quý - sẽ mang lại những điềm lành và thịnh vượng cho cả năm.
Ảnh minh họa.Mua hoặc trồng cây xanh
Mua cây mới vào dịp đầu năm được xem như một nghi thức để cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Mỗi loại cây cũng mang một ý nghĩa riêng biệt. Chẳng hạn, cây tài lộc như cây vạn tuế biểu tượng cho sự trường thọ và ổn định, còn cây lưỡi hổ hay cây phát tài thể hiện mong muốn về sự nghiệp phát triển và tiền tài dồi dào.
Cúng Rằm tháng Giêng
Cúng Rằm tháng Giêng là một nét đẹp truyền thống được người Việt duy trì và gìn giữ từ bao đời nay. Đây không chỉ là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã ban phước lành, mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau quây quần, đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, cùng nhau đón Rằm của tháng đầu tiên trong năm, đồng thời đặt kỳ vọng vào một năm mới tốt lành, thịnh vượng.
Rằm tháng Giêng cũng được coi trọng thể hiện qua câu nói lưu truyền dân gian như “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, “Cúng quanh năm không bằng cúng rằm tháng Giêng”. Năm có 12 rằm nhưng chỉ rằm tháng Giêng được gọi là Tết – Tết Nguyên tiêu.
Mẫn Nhi
Tags: Vì sao tháng 1 âm lịch được gọi là tháng Giêng những việc nên làm trong tháng Giêng