TP Hồ Chí Minh: Gỡ vướng đầu tư hạ tầng giao thông
Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của TPHCM dù đã được đưa vào kế hoạch ưu tiên triển khai, thế nhưng nhiều năm qua vẫn nằm “trên giấy” hoặc thi công dang dở do thiếu vốn hoặc vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng…
Việc chậm triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khiến TPHCM thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm.
Thi công ì ạch
Sau hơn 20 năm, dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, TPHCM) dù chỉ dài gần 5km nhưng thi công kéo dài hơn 20 năm qua, với nhiều lần “điều chỉnh”.
Sau nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và thảo luận, UBND TPHCM đã quyết định đưa dự án này vào danh mục 34 dự án trọng điểm được ưu tiên tái khởi động để hoàn thành. Dự án ban đầu do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được ký năm 2001. Việc thi công dự án dang dở đã khiến cửa ngõ phía Đông của TPHCM luôn trong tình trạng kẹt xe và ngập nước.
Cách dự án mở rộng Quốc lộ 13 không xa, đoạn đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TPHCM) thuộc dự án Vành đai 2 được thực hiện theo hình thức BT cũng bị tạm dừng thi công nhiều năm nay. Dự án có tổng vốn hơn 2.765 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2023, khi hoàn thành sẽ khép kín đường Vành đai 2.
Kiểm tra tiến độ dự án này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam - CTCP Đầu tư Văn Phú Invest - Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái trình bày về các vướng mắc tiến độ dự án cũng như đề xuất phương án để xử lý.
Ông Hiếu cho biết, dự án BT này cũng đang được TPHCM tập trung chỉ đạo giải quyết, nhất là phải cơ bản hoàn thành phần giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho quá trình thi công dự án sắp tới. Theo dự kiến, trong tháng 6/2023, dự án sẽ tái khởi động trở lại sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Ngoài 2 dự án trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cũng đã yêu cầu tập trung gỡ vướng đối với 5 dự án trọng điểm PPP trên địa bàn thành phố do gặp nhiều vướng mắc dẫn đến thi công ì ạch trong thời gian dài. Trong nhóm dự án trọng điểm này có dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) được TPHCM ký hợp đồng BOT với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) từ năm 2018 với tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Dự án xây dựng Tân Kỳ - Tân Quý nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc theo phụ lục hợp đồng được ký với Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) vào năm 2018...
Cần gỡ vướng
Liên quan đến nhu cầu cấp thiết của TPHCM để hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, sau nhiều năm vướng mắc vì các quy định của pháp luật liên quan đến 2 hình thức BOT và BT, TPHCM đã đề xuất cho áp dụng trở lại 2 hình thức đầu tư này để giải quyết bài toán về nguồn vốn và phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, phương thức BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu và thực hiện lại hình thức hợp đồng BT.
“Trên địa bàn thành phố có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Quá trình triển khai các dự án có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các Luật nên thực hiện chưa trôi chảy” - bà Mai nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư tư nhân là rất quan trọng với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động đầu tư kinh doanh của nhiều dự án đã vấp phải nhiều vướng mắc. Hiện nay, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng đã tổng hợp được 214 vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh, nhất là dự án hạ tầng giao thông của TPHCM. Trong đó, các vướng mắc sẽ được ưu tiên giải quyết ngay, đặc biệt là tại các dự án hợp tác công - tư (PPP).
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào kỳ họp thứ 5, với điều kiện hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nội dung. Trong dự thảo Nghị quyết, TPHCM đề xuất các cơ chế chính sách mới chưa được quy định tại Nghị quyết 54, trong đó có đề xuất áp dụng BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu và thực hiện lại hình thức hợp đồng BT. Trong đó, việc áp dụng hình thức BT và BOT phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến các dự án BOT, BT vốn đã tồn tại không ít các bất cập trước đây, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Quản lý và Kinh tế TPHCM cho biết, TPHCM nên có rà soát, đánh giá xác đáng các dự án phù hợp để tái đầu tư theo BT hoặc BOT. Bởi vì, thời gian qua hình thức đầu tư phức tạp, nhiều tình huống phát sinh trong thực tiễn đã dẫn đến một số sai phạm tại các dự án BT hoặc BOT.
Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Quản lý và Kinh tế TPHCM, một số dự án dù không sai phạm nhưng quá trình đầu tư và khai thác đã phát sinh vướng mắc, bất cập và chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân, xã hội. Do đó, khi tái khởi động lại các hình thức đầu tư này, TPHCM cần rà soát và đánh giá tổng thể để có lựa chọn ưu tiên phù hợp, từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng giao thông của thành phố.
Chủ đề: giao thông đầu tư TP Hồ Chí Minh hạ tầng Gỡ vướng
Tags: TP Hồ Chí Minh Gỡ vướng đầu tư hạ tầng giao thông