Sáp nhập quận Hoàn Kiếm, cần phải cân nhắc kỹ yếu tố lịch sử, văn hóa
‘Cân nhắc kỹ yếu tố lịch sử, văn hóa khi xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm’
Quang Phong Xem các bài viết của tác giả
02/08/2023 13:42 (GMT+07:00)
Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Hoàn Kiếm là quận lâu đời, trung tâm của Thủ đô nên phải cân nhắc rất kỹ khi xem xét sáp nhập.
Căn cứ theo Nghị quyết 1211 của UBTV Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, trong giai đoạn 2023 - 2025, trên địa bàn TP Hà Nội có quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp.
Cụ thể, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính quận phải có từ 150.000 người trở lên, rộng 35km2 trở lên và 12 phường trực thuộc. Trong khi đó diện tích của quận Hoàn Kiếm là 5,3km2, dân số hơn 212.000 người.
Quận trung tâm khó đạt tiêu chí về diện tích
Theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, nếu căn cứ theo Nghị quyết 35 của UBTV Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 thì khó có quận nội thành nào của Hà Nội đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên.
Do đó, cần phải căn cứ thêm các tiêu chí khác trong việc xem xét sắp xếp lại đơn vị hành chính của Thủ đô như tính đặc thù văn hóa, chính quyền đô thị. Ngoài ra, phải tính đến yếu tố phố cổ, phố cũ mang tính lịch sử của Thủ đô.
Theo các chuyên gia, cần cân nhắc kỹ yếu tố lịch sử, văn hóa khi xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Hoàng Hà)
Về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, theo PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, việc này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh giản bộ máy hành chính. Tuy nhiên, đối với Hà Nội cần có lộ trình riêng vì là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là “bộ mặt” của cả nước.
"Sắp xếp quận Hoàn Kiếm không đơn giản. Ngay cả việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm với đơn vị hành chính bên cạnh thì việc chọn tên nào cũng là cả một vấn đề lớn. Bởi vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời, lại là trung tâm của Thủ đô nên phải cân nhắc rất kỹ", PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nói.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, nếu coi Hà Nội là trái tim của cả nước thì quận Hoàn Kiếm là trái tim của Thủ đô. Do vậy, nếu buộc phải sắp xếp lại đơn vị hành chính, cách tốt nhất là lấy đất của 3 quận bên cạnh cho quận Hoàn Kiếm, để quận này đáp ứng tiêu chí về diện tích tự nhiên theo quy định.
Hợp nhất sẽ có tâm tư
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh ủng hộ việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với quận Hoàn Kiếm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đồng thời giảm chi phí hành chính vận hành bộ máy nhà nước.
Phố cổ quận Hoàn Kiếm thu hút rất đông du khách nước ngoài đến tham quan.
“Nếu chúng ta lấn cấn trước các yếu tố đặc thù liên quan đến lịch sử, văn hóa… thì lại mất cái khác”, ông Dĩnh nói.
Theo ông Dĩnh, cách đây 15 năm, khi hợp nhất tỉnh Hà Tây với Hà Nội, nhiều người cũng nêu ra ý kiến khác nhau, lo ngại Hà Tây mất đi văn hóa xứ Đoài, quê lụa… Thế nhưng, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện tại phát triển mạnh mẽ hơn, lại có tiềm lực, nguồn lực để phát triển tiếp.
“Tất nhiên khi hợp nhất, sáp nhập quận Hoàn Kiếm thì sẽ có thuận lợi, khó khăn, cũng có tâm tư. Nhưng nếu cứ lưng chừng thì khó nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh giản bộ máy để giảm chi phí hành chính”, ông Dĩnh nói.
Quận Hoàn Kiếm và 176 xã của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.
Bình luận
Tags: Hoàn Kiếm sáp nhập quận Hoàn Kiếm xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm Hà Nội