Nâng cao hiệu quả điều trị Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ
Ngày 9/11, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hội Hô hấp Pháp Việt, Hội Bệnh lý giấc ngủ Việt Nam, Liên chi hội Y học Giấc ngủ Miền Trung tổ chức thành công khóa đào tạo “Bệnh lý giấc ngủ nâng cao” về Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.
Bs Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tại khóa đào tạo
Theo đó, khóa đào tạo, nhằm cập nhật, nâng cao năng lực về chẩn đoán và điều trị Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ cho các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp, Thần kinh, Tim mạch, Lão khoa, Tai mũi họng, Răng Hàm Mặt, Sức khỏe tâm trí… tại BVTW Huế và trong cả nước.
Khóa đào tạo diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11 với các kiến thức nâng cao về Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ gồm: Đo đa ký hô hấp, Điều trị bằng thông khí áp lực dương cho hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và thảo luận các ca lâm sàng.
Chương trình được giảng dạy bởi các chuyên gia đầu ngành và có rất nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị về Bệnh lý giấc ngủ của Hội Hô hấp Pháp- Việt (AFVP): Bác sĩ Francis MARTIN- Chủ tịch Hội hô hấp Pháp Việt và Bác sĩ Franck SOYEZ- Phó chủ tịch Hội hô hấp Pháp Việt và các chuyên gia đến từ Hội hô hấp Pháp Việt.
Các chuyên gia trong ngành thảo luận sôi nổi tại khóa đào tạo
Được biết, ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Theo các nghiên cứu thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tại Bắc Mỹ là 15 - 30% ở nam và 10 - 15% ở nữ. Ước tính toàn cầu có hơn 936 triệu người mắc Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ trong độ tuổi 30 - 69.
Ở Việt Nam cũng có tỉ lệ cao người mắc Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở tuổi trung niên, ở nam giới, những người béo phì.
Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như: tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó về lâu dài gây các rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim…
Hiện nay tại Việt Nam, các bệnh nhân mắc Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ được chẩn đoán và điều trị còn chiếm tỉ lệ thấp
Điều trị Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ bao gồm kiểm soát các yếu tố nguy cơ: béo phì, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng các thuốc an thần; thông khí áp lực dương liên tục hoặc đặt dụng cụ ở miệng; đối với bất thường giải phẫu hoặc bệnh không đáp ứng với các thiết bị sẽ phẫu thuật chỉnh hình họng, màn hầu, lưỡi gà hoặc kích thích thần kinh.
Khóa đào tạo có sự tham gia của hơn 80 học viên là các bác sĩ chuyên khoa Nội Hô hấp, Răng hàm mặt, Tai Mũi họng, Sức khỏe tâm trí… của BVTW Huế và cơ sở y tế trên toàn quốc từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh.
Các học viên đã tham gia thảo luận sôi nổi và đặt ra nhiều câu hỏi cho các chuyên gia Pháp về các tình huống lâm sàng liên quan đến bệnh lý này. Thông qua khóa đào tạo, các bác sĩ đã có cơ hội trao đổi, tiếp cận những kinh nghiệm quý báu trong chẩn đoán và điều trị Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ từ các chuyên gia của Hội hô hấp Pháp Việt
Nguyễn Hiền
Tags: Bệnh viện Trung ương Huế Ngưng thở khi ngủ Hội chứng ngưng thở