05/04/2022 05:17

'Hù' tiền mất giá để... bán đất

Để dụ khách hàng đổ tiền vào bất động sản (BĐS), đầu tư đất nền, chốt nhanh đất đai tại dự án... không ít doanh nghiệp kinh doanh BĐS và giới cò đất hiện đánh vào nỗi lo lạm phát, "hù" đồng tiền mất giá.

'Hù' tiền mất giá để...  bán đất

Trong khi đó, phân tích từ tình hình thực tế, các chuyên gia cho rằng lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Do đó người dân cần cẩn trọng trong các lựa chọn đầu tư, nhất là vào lĩnh vực đất đai, tránh sập bẫy thổi giá, ôm nợ khi thị trường lặng sóng.Đánh vào tâm lýlo trượt giá

Vào các ngày cuối tuần, ông Trần Minh Tuấn (ngụ quận 7, TP.HCM) thường xuyên nhận được nhiều cuộc gọi của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mời đi xem đất dự án tại các tỉnh xung quanh TP.HCM, thậm chí mời xem dự án tận Bình Thuận.

Theo ông Tuấn, bên cạnh "chiêu" cũ là điểm danh các dự án hạ tầng giao thông, sân bay sắp triển khai hoặc đang hoàn thiện sẽ nâng giá đất đai, các nhân viên môi giới BĐS đều thông tin giá cả đang ngày một leo thang, giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến chỉ số lạm phát tăng mạnh, đồng tiền mất giá trong khi đầu tư BĐS sẽ sinh lời lớn, không lo rớt giá, thậm chí còn lãi lớn nếu đầu tư sớm, đúng thời điểm", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, các nhân viên môi giới còn cho rằng để tiền trong ngân hàng sẽ có tỉ suất lợi nhuận thấp, thậm chí không bù nổi trượt giá khi thực tế đã thấy giá xăng dầu tăng cao, hàng hóa bắt đầu tăng giá.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo (môi giới BĐS) thường xuyên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để kéo khách đi xem đất tại Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước... Tất nhiên, ngoài những "lời đường mật" phổ biến, không thể thiếu cách thủ thỉ việc gửi ngân hàng chỉ có lãi suất trên dưới 6%/năm, trong khi "lướt sóng" BĐS có thể "ngon ăn" khi lãi đến 20-30%, thậm chí mức cao hơn. Với cách tư vấn này, bà Thảo cho hay nhiều khách hàng đã nhanh chóng đặt cọc, mua đất với niềm tin giá đất sẽ tăng mạnh, bù lại trượt giá đồng tiền.

Tương tự, ông K. (giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM) cho biết doanh nghiệp này hiện phát triển dự án ở các tỉnh Nam TrungBộ, để thu hút khách muacác sản phẩm của dự án, một trong những nguyên tắc tư vấn của doanh nghiệp đó là tư vấn cho khách hàng kênh đầu tư dòng tiền hiệu quả. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, ông K. cho hay các nhân viên sẽxoáy sâu vào nỗi lo này trong khi giá hàng hóa đã tăng trên thực tế, khiến khách hàng quyết định nhanh hơn khi đổ tiền tỉ vào dự án.

'Hù' tiền mất giá để...  bán đất

Nhiều công ty môi giới đặt bảng hiệu giới thiệu nhà đất, đất dự án với nhiều ưu đãi tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, chiều 4-4 - Ảnh: TỰ TRUNG

Coi chừngphá sản trên đất!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cho biết trong những năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ ổn định dưới 4%. Song những tác động tiêu cực bởi tình hình giá xăng dầu khiến không ít người lo lắng lạm phát sẽ tăng.

Từ đó, những cò đất, đầu nậu và các "doanh nghiệp bất lương" đã lợi dụng tâm lý này để đẩy giá, thổi giá đất đai. "Hệ quả là những nhà đầu tư thứ cấp non tay sẽ lãnh đủ hệ lụy, thậm chí thiệt hại tài sản, chôn vốn ở các dự án hoặc ôm một cục nợ nếu chạy theo những lời đồn thổi này", ông Châu nói.

Theo ông Châu, trong cơn đồn thổi hiện nay, nếu người dân đầu tư sai, "ôm" vào lô đất mà sau này không trở thành đất xây dựng nhà ở, đất đô thị mà chuyển sang đất cho các lợi ích công cộng thì giá trị thu hồi sẽ thấp. Trong trường hợp người dân vay mượn, kể cả vay nóng bên ngoài sẽ đối mặt nhiều rủi ro hơn. Thậm chí, có những trường hợp đi vay tiền bên ngoài xã hội với lãi suất "cắt cổ" sẽ rất nguy hiểm bởi khả năng "lướt sóng" để hưởng chênh lệch giá ngay lập tức không dễ.

"Nếu không am hiểu, trở thành người đầu tư cuối cùng và khi thị trường lắng xuống, người dân sẽ vừa ôm đất, vừa ôm cục nợ nên cần phải hết sức cảnh giác. Người dân không nên lao vào các đợt sốt đất ở các địa phương bởi các đầu nậu đã đi thâu tóm đất đai, nếu bây giờ người dân nhảy vào các vùng này sẽ sập bẫy", ông Châu cảnh báo.

Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cảnh báo người dân, nhà đầu tư BĐS cần cẩn trọng, tránh rơi vào tình trạng phải bán tháo tài sản hoặc "chết trên đống tài sản". Ông Khương cảnh báo nếu mua BĐS để xem như một kênh giữ tiền thời điểm này, người dân không nên vay bởi nếu giá cả tăng cao nhưng không bán được, tính thanh khoản không có, ngay cả cho thuê cũng khó khăn... sẽ dẫn đến gánh nặng cho nhà đầu tư.

"Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra", ông Khương nói.

'Hù' tiền mất giá để...  bán đất

Nhân viên tư vấn mời gọi khách đặt cọc mua đất tại một khu dân cư ở Đồng Nai - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ông Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Nói đến sức mua của đồng tiền, phải nói đến sức mua đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, tỉ giá USD/VND vẫn ổn định, thậm chí VND tăng giá so với USD. Chúng ta có quỹ dự trữ ngoại hối ngày càng tăng, xuất siêu những tháng đầu năm trên 1 tỉ USD. Về sức mua đối nội, đúng là giá cả tăng do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới nhưng trong quý 1-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước và mọi thứ vẫn đang nằm trong tầm kiềm soát.

Áp lực tăng giá là có nhưng chúng ta vẫn đang kiên trì tìm các giải pháp để kiểm soát CPI cả năm ở mức 4%. Dù chỉ số lạm phát tăng nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường để giảm bớt đà tăng của giá xăng dầu. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới vẫn biến động, sẽ có những giải pháp khác để kiểm soát giá. Điều quan trọng là cần phải truyền thông, giải thích thật rõ để người dân hiểu, tránh tình trạng lợi dụng thời điểm này để tăng giá.

Do đó, người dân, các nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh trước các quyết định đầu tư, không nên nghe các thông tin đồn thổi để rút vốn chỗ này, đầu tư chỗ khác. Nếu hốt hoảng, đầu tư vào những lĩnh vực "nóng" nhưng không tìm hiểu kỹ sẽ gây ra những hệ lụy, mà những thiệt hại này chính nhà đầu tư, người dân phải gánh chịu.

Doanh nghiệp cũng "lướt sóng" đất

Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hiện các doanh nghiệp sản xuất cũng có xu hướng chuyển sang kinh doanh BĐS để "lướt sóng" khi cho rằng tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Ông Nguyễn Văn T. (tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM) cho biết với một số khó khăn sau dịch COVID-19, cộng với việc giá nhiên liệu như xăng, dầu, gas... tăng nên một số doanh nghiệp thay vì mở rộng sản xuất thì chuyển vốn sang "lướt sóng" BĐS, thậm chí bó hẹp mảng kinh doanh truyền thống để dồn vốn cho đất bên cạnh đầu tư chứng khoán. Bản thân ông T. cũng đã nhận được lời mời của một doanh nghiệp BĐS đề nghị bỏ ra 100 tỉ đồng để thu về đến 1.000 tỉ đồng nếu đồng ý "lướt sóng".

Theo ông T., thực tế cũng đã có thời điểm đầu tư đất có lợi nhuận cao. Tuy nhiên khi nhà nhà có tâm lý dồn sang kinh doanh đất đai khiến thị trường bát nháo, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS không liêm chính có sân để tung tẩy. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp rao bán đất ngay trên trạm hạ thế của khu công nghiệp TP.HCM hay phân lô ngay trên khu vực được quy hoạch trong tương sẽ là nhà ga của tuyến đường sắt trên cao.

Thậm chí, các doanh nghiệp còn kéo về các tỉnh hoặc ngược lên Lâm Đồng, Tây Nguyên để phân lô, thổi giá đất với sự giúp sức của đội ngũ "cò". Ông T. cảnh báo nếu tình trạng doanh nghiệp chuyển vốn sang đất đến mức mất kiểm soát sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó sẽ tạo nên "vòng lặp" về giá, một số ngành thu hẹp sản xuất khiến hàng hóa cung ứng ít hơn, giá cả sẽ lại tăng cao hơn nếu nhu cầu lớn và đặc biệt người lao động sẽ giảm hoặc mất việc làm.

Người dân gửi tiết kiệm thêm 100.000 tỉ đồng

'Hù' tiền mất giá để...  bán đất

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không như đồn thổi và các chiêu "thủ thỉ" gửi tiền ở ngân hàng kém "ăn", theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính thời điểm tháng 1-2022 tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác...) vào tổ chức tín dụng đạt 5.577.114 tỉ đồng, giảm nhẹ khoảng 1,21% so với cuối năm 2021.Trái lại, tiền gửi của dân cư tại thời điểm tháng 1 đạt 5.403.663 tỉ đồng, tăng 103.000 tỉ đồng, tương đương 1,95% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho biết tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là tín hiệu rất tốt. Tức là doanh nghiệp rút tiền ra để đầu tư làm ăn, trả lương cho người lao động... Con số này còn nói lên rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được khôi phục và sôi động trở lại.

Còn với tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng lên cho thấy người dân vẫn lựa chọn kênh gửi tiết kiệm. Mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. "Cùng với việc một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động, dự báo lượng tiền gửi vào tổ chức tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tương tự như mức tăng của năm ngoái", ông Lực nhận định.

Về lãi suất huy động, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đầu tháng 4-2022 lãi suất tiền gửi VND có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng 0,36% và 0,16% lên mức 5,21%/năm và 5,51%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng. Tại SeABank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng niêm yết là 5,85%/năm, tăng thêm 0,45%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng nhẹ 0,05% lên mức 6,15%/năm; kỳ hạn 24 tháng có lãi suất cao nhất là 6,35%/năm, tăng 0,15% so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất của khối ngân hàng có vốn nhà nước vẫn ổn định. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất đạt 5,3-5,5%/năm kỳ hạn 12 và 24 tháng. Tại Vietcombank các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lần lượt là 4,0%/năm, 5,5%/năm, 5,3%/năm.