Hết hồn với những 'thảm họa' ca sĩ hát trực tiếp bản nhạc nổi tiếng của chính mình
Đây là một thực tế đã không còn xa lạ ở nhạc Việt. Thật đáng tiếc khi nhiều ca sĩ không đủ năng lực để thể hiện chính đứa con tinh thần của họ vốn từng được lòng biết bao khán giả.
Chi Pu, Jack, Hương Giang, Đình Dũng - Ảnh: Facebook
Trong kỷ nguyên của công nghệ, âm nhạc cũng như những tấm hình selfie, bạn có thể căn chỉnh thoải mái để che lấp những khiếm khuyết.
Cái được của việc này là ai cũng có thể dễ dàng bước vào phòng thu để có cho mình một phần thể hiện (có vẻ) trọn vẹn, nhưng trên sân khấu hát trực tiếp, thật khó để che giấu sự thiếu sót.
Cứ vào phòng thu, cầm mic lên là ca sĩ?
Dưới sự hậu thuẫn của công nghệ chỉnh giọng, người người nhà nhà kéo nhau đi làm ca sĩ. Từ một cái tên lạ hoắc bất kỳ hay hiện tượng mạng, TikToker, Vlogger, YouTuber cho đến hoa hậu, người mẫu, diễn viên..., ai nấy cũng tự tin lấn sân sang ca hát và thứ tài sản quen thuộc lớn nhất mà họ có được, đó là "một tình yêu cháy bỏng dành cho âm nhạc".
To the moon của Hooligan do nhà sản xuất Jimi hòa âm phối khí. Đây là ca khúc tiếng Anh đạt hơn 21 triệu lượt xem trên YouTube và có mặt trong những playlist nhạc Việt được yêu thích nhất trong năm qua trên Spotify.
Trên mạng xã hội từ Facebook, YouTube, TikTok có hàng trăm nghìn bình luận khen ngợi và tỏ ra bất ngờ khi sản phẩm 100% tiếng Anh này được tạo nên từ hai nghệ sĩ Việt Nam.
Đây là một trường hợp khá lạ ở Vpop khi phiên bản tiếng Anh của To the moon lại có lượt xem cao hơn 27 lần so với phiên bản tiếng Việt gốc có tên Hàng nghìn kilomet mà Hooligan ra mắt trước đó.
Nhưng khán giả đã hoàn toàn "vỡ mộng" khi Hooligan bắt đầu mang ca khúc đi biểu diễn và hàng loạt clip hát chênh, phô, hụt hơi, không rõ lời của anh chàng bắt đầu lan tỏa chóng mặt.
Đế vương của Đình Dũng - ca khúc hiện đã đạt hơn 72 triệu lượt xem trên YouTube - cũng rơi vào tình huống tương tự. Giống như To the moon, khi Đình Dũng bắt đầu mang ca khúc đi biểu diễn cũng là lúc khán giả thêm một phen "hết hồn" trước năng lực hát live của ca sĩ này.
"Nghe trôi thế", "không có chút cảm xúc" hay "hát như trả bài" là những bình luận nói về phần thể hiện của anh.
Trong kỷ nguyên nhạc số, dễ thấy lượt streaming là một tiêu chí đánh giá mức độ lan tỏa và sự thành công của một sản phẩm âm nhạc. Lượt xem/nghe đã trở thành mục tiêu chung của nhiều người trẻ khi đến với âm nhạc: có bản hit triệu view chứ không phải là kỹ năng hát điêu luyện.
Phòng thu sẽ không bao giờ là bệ đỡ bền vững được. Nội lực của chính người nghệ sĩ mới là quan trọng nhất.
Nhà sản xuất HUỲNH QUANG TUẤN
Phụ thuộc vào kỹ thuật phòng thu
Những bản hit triệu view đến từ loạt tân binh mới toanh cứ tiếp nối nhau ra đời. Thế nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là những bạn trẻ ấy gặp phải khó khăn rất lớn khi hát live.
Gần 10 năm nay, khán giả đã quen dần với sự xuất hiện của những ca sĩ phòng thu. Sau khi gây chú ý bằng một bản hit trên không gian số, họ mang lại nỗi thất vọng khi trình diễn ca khúc ấy trên sân khấu.
Ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Luân dù đã có tên tuổi trong nghề nhưng hiện tại anh vẫn cật lực theo học tại Nhạc viện TP.HCM ở tuổi ngoài 30 để rèn luyện thêm. Theo Hoàng Luân, đã là nghệ sĩ thì thời nào cũng vậy, luôn biết trau dồi chuyên môn là cách tôn trọng nghề nghiệp và cả chính bản thân mình.
Hoàng Luân nói: "Nhiều bạn Gen Z rất giỏi, tài năng và có chất riêng. Khi các em có một êkip sản xuất âm nhạc bài bản thì vấn đề giọng hát bị che mờ bởi hàng tá thứ khác như vũ đạo, hình ảnh, truyền thông... là điều dễ hiểu.
Ngày nay kỹ thuật phòng thu đã hiện đại hơn xưa với nhiều thiết bị "make up" giọng hát. Đây cũng là một điều đáng lo ngại cho sự ỷ lại của các bạn. Các ca sĩ trẻ chỉ tự tin thể hiện khi đang ở phòng thu, lâu dần thành thói quen nên khi ra hát khó mà tự tin trước đám đông".
Là một nhà sản xuất từng hợp tác với nhiều gương mặt Gen Z lẫn ca sĩ thành danh, nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn đồng ý với quan điểm một số người đã lạm dụng công nghệ chỉnh sửa bản thu âm để rồi khiến giới chuyên môn lẫn khán giả "té ngửa" khi nghe giọng hát thật sự.
Anh cho biết giới phòng thu vẫn dùng phần lớn thời gian để sửa lỗi hát của ca sĩ bên cạnh việc làm cho bài hát đặc sắc, mới mẻ hơn.
"Tôi nghĩ ca sĩ phải trang bị cho mình những kiến thức thanh nhạc phù hợp. Nếu cần, hãy tìm cho mình một người thầy dạy hát thật tốt và luyện tập không ngừng nghỉ vì phòng thu sẽ không bao giờ là bệ đỡ bền vững được. Nội lực của chính người nghệ sĩ mới là quan trọng nhất" - Huỳnh Quang Tuấn nhận định.
Ca sĩ nổi tiếng lười rèn luyện giọng hát
Không riêng tân binh, những cái tên đã có chỗ đứng trong ngành giải trí như Chi Pu, Hương Giang, Jack, Amee... cũng từng nhiều lần gây tranh cãi về khả năng hát live. Thế nhưng sau nhiều tháng năm, sự tiến bộ chậm chạp của họ khiến không ít người cho rằng liệu có phải những ca sĩ đã có tiếng tăm sẵn rồi thường lười rèn luyện giọng hát?
Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân - một trong những giọng ca nam chất lượng của nhạc Việt - cho rằng hiện nay, nhiều ca sĩ trẻ có những "áp lực không tên". Một trong những áp lực là phải ra sản phẩm liên tục để cho khán giả không quên lãng mình, dẫn đến việc các bạn bỏ qua phần học hành.
"Chỉ cần có nhạc và bài hát, còn lại kỹ thuật phòng thu sẽ giúp đỡ những khâu cuối. Những bản thu long lanh, âm thanh được cắt tỉa gọn gàng nhưng tới khi thực tế ra sân khấu trình diễn live, cầm mic hát lại trở thành khó khăn rất lớn với các bạn".
Trung Quân nhắn nhủ các đồng nghiệp trẻ: "Người nghe nhạc bây giờ đã rất văn minh, cảm nhận cũng khắt khe hơn. Khán giả sẽ có phản ứng gay gắt, thậm chí là tiêu cực với những phần chênh lệch quá lớn giữa hai bản thu âm và trình diễn live. Muốn hát live tốt, bạn cần phải xác định học hành một cách bài bản để giọng hát có thể đi một con đường dài. Tài năng và tiềm năng khác nhau".
Làm nhạc về chủ đề tâm lý, Hà Lê chọn chuyển hóa năng lượng tiêu cực
TTO - Sau thành công của dự án Trịnh Contemporary, nghệ sĩ Hà Lê quyết định đi tìm thứ âm nhạc nguyên bản của chính mình, vẫn tiếp tục khai thác những góc tối và bể khổ của kiếp nhân sinh 'ở trọ trần gian'.
TIẾN VŨ
Tags: nhạc trẻ triệu view hát live chi pu hương giang jack đình dũng