'Giải thưởng văn học Việt chỉ phát triển về lượng'
Giới chuyên môn cho rằng trong nước hiện có hàng trăm giải thưởng văn học, viết lách nhưng chất lượng không cao.
Ngày 23/4 tại Phố sách Hà Nội, buổi thảo luận chuyên đề "Nói gì khi nói về giải thưởng văn học?" được tổ chức với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, dịch giả.
Hiện nay, ngoài những giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội thành viên địa phương, làng văn Việt có hàng trăm giải thưởng được tổ chức. Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên nhận định so với thế giới, những giải thưởng trong nước còn non trẻ, mới chỉ phát triển nhanh về lượng, còn chất vẫn chậm bởi nhiều khó khăn.
Các diễn giả tham gia buổi thảo luận ở Phố Sách Hà Nội, ngày 23/4, do Phương Nam Books tổ chức. Ảnh: Sĩ Vân
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chỉ ra khi xét duyệt giải thưởng văn học, số lượng tác phẩm đăng ký và đề cử lớn khiến thành viên ban giám khảo thậm chí có lúc không thể đọc hết. Bên cạnh đó, quan điểm về phong cách văn chương của mỗi giám khảo thường tác động lớn đến việc chấm điểm. Ví dụ có người thích sự ổn định, có người lại nghiêng về nét mới tươi trẻ. Điều này dẫn đến tình trạng nhà văn chọn ban giám khảo, sau khi công bố ban giám khảo mới quyết định có dự thi hay không.
"Việc này làm ý nghĩa giải bị giảm sút, bởi giải thưởng nhằm tôn vinh những cuốn sách hay nhất trong một năm", nhà phê bình nói.
Tình trạng "lạm phát" giải thưởng văn học hiện nay có thể thấy ở nhiều nơi. Bên cạnh những giải thưởng lớn như Nobel Văn học, Goncourt, Pulitzer, Femina hay Booker, nền văn chương ở mỗi quốc gia vẫn có nhiều giải thường niên. Tại Pháp, hàng năm có khoảng 1.500 giải thưởng văn học các loại, trong khi con số tương tự ở Đức vào năm 2022 là gần 1.400 giải thưởng, theo thống kê của Viện Goethe.
Ông Xuân Nguyên chỉ ra ngoài việc điều chỉnh chính sách, tạo cơ chế thuận lợi hay hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện việc trao giải, điều quan trọng nhất chính là tác phẩm. Trước khi nghĩ đến nâng cao giải thưởng, điều mấu chốt là phải nâng tầm giá trị nền văn học. Tác phẩm hay thì giải thưởng mới chất lượng.
Ở khía cạnh khác, các diễn giả nêu ra nét tích cực của hiện trạng nền văn học nhiều giải thưởng. Theo đó, ngoài việc ghi nhận thành tích, một cuốn sách đạt giải cũng sẽ nhận được nhiều chú ý hơn. Sự quan tâm của giới phê bình và độc giả tăng lên nhiều lần giúp sách bán chạy hơn. "Như vậy cả nhà xuất bản và tác giả đều được hưởng lợi. Nhà xuất bản thu lại được lợi ích kinh tế, còn tác giả sẽ nâng cao danh tiếng", dịch giả Lê Quang nói.
Theo trang WD, sau khi nhà văn người Ai Cập Naguib Mahfouz bất ngờ thắng giải Nobel Văn học năm 1988, số lượng sách của ông tại Thụy Sĩ - do nhà xuất bản Unionsverlag phân phối - bỗng tăng vọt. Giám đốc của Unionsverlag, ông Lucien Leitess, từng trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Deutsche Welle: "Trước khi Naguib Mahfouz giành giải, không một ai biết, thậm chí là đọc đúng tên ông ấy. Chúng tôi từng mất ba năm để bán 300 cuốn sách. Nhưng sau giải Nobel, chúng tôi bán được 30.000 cuốn sách trong ba phút".
Ảnh hưởng của giải thưởng văn học là điều không thể phủ nhận, song thành tích không phải thước đo hoàn hảo cho tác phẩm. Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên nhấn mạnh giải thưởng có thể định hướng cho một bộ phận độc giả. Tuy nhiên, độc giả cần tìm hiểu thêm về những yếu tố khác liên quan đến giải thưởng đó khi quyết định chọn đọc.
"Chính vì thế việc chọn cuốn sách giành giải hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, mục đích trao giải, định hướng giải thưởng", bà nói.
Sĩ VânTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×
Tags: Giải thưởng văn học Thời sự giải trí Tin