23/03/2022 03:03

Giải pháp nào ngăn chặn trục lợi tiền đền bù?

Để ngăn chặn tình trạng xây nhà chờ đền bù, kinh nghiệm của Hà Tĩnh và gợi ý của chuyên gia là kiểm soát thực địa, xử phạt nghiêm và đền bù tài sản tương đương.

Đức Thọ là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đầu năm 2020. Đề phòng người dân tự ý xây công trình trái phép trên đất dự án, Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện đã cử cán bộ dùng máy quay, flycam quay video hiện trạng hơn 33 ha đất để đối chứng.

Sau khi hoàn tất ghi hình, các xã thuộc dự án phát loa thông báo công trình xây dựng sau thời điểm cắm mốc sẽ không được bồi thường. Thành viên trong tổ liên ngành thường xuyên đến giải thích cho người dân, kiểm tra hiện trường, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản xử lý.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch huyện Đức Thọ, cho biết nhờ làm cứng rắn ngay từ đầu, việc bàn giao đất để thi công hơn 4 km cao tốc giai đoạn một diễn ra suôn sẻ, không có tình trạng người dân xây công trình trái phép để chờ đền bù. Tuy nhiên, Hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện lại gặp nhiều tình huống "đau đầu" khác, khi người dân cho rằng giá đền bù thấp, không chịu bàn giao đất và ký biên bản, hoặc ký rồi lại chây ỳ nhận tiền.

Giải pháp nào ngăn chặn trục lợi tiền đền bù?

Máy móc thi công cao cốc Diễn Châu - Bãi Vọt đoạn qua huyện Đức Thọ, chiều 22/3. Ảnh: Đức Hùng

Ông Đức dẫn chứng, quá trình thu hồi đất tại xã Quang Vĩnh, một cán bộ về hưu không đồng ý nhận đền bù hơn một tỷ đồng cho mảnh vườn hơn 1.000 m2 kèm nhà. Dù được giải thích đây là mức giá hợp lý do Nhà nước đưa ra, người này không đồng ý bàn giao vì trước kia từng làm công tác giải phóng mặt bằng sân bay ở miền Nam, "thấy giá đền bù được nhận quá thấp". Vì người này phản đối, hơn 30 hộ dân khác trong xã cũng dừng ký biên bản bàn giao để đòi quyền lợi.

"Chúng tôi phải gặp rất nhiều lần để thuyết phục, phân tích không thể so sánh giá đất ở Hà Tĩnh với những thành phố lớn miền Nam. Cán bộ cũng tiếp cận với con cháu, anh em họ hàng để thuyết phục ông nên vì lợi ích chung", Phó chủ tịch huyện kể lại. Sau ba tháng kiên trì, ông này đồng ý ký vào biên bản nhận tiền. Những hộ dân khác cũng lần lượt giao đất.

Trong đợt bàn giao đất cao tốc đợt một, huyện Đức Thọ thực hiện đúng tiến độ (trước 31/12/2020), di dời ba xóm, với 80 hộ dân đến khu tái định cư. Ngoài một số gia đình phản đối về giá đền bù, đa số đồng thuận với mong muốn có đất mới để an cư lạc nghiệp. Vì vậy, khi nhận mốc xong, huyện đã đưa ra 3-4 khu đất dự kiến làm khu tái định cư để người dân biểu quyết lựa chọn.

Tiếp đó, hội đồng sẽ giao văn phòng đăng ký sử dụng đất cung cấp đầy đủ bản đồ, lập danh sách hộ dân có đất nông nghiệp, đất vườn, công khai giá cả đền bù tại cuộc họp. Nếu ai bị thiếu hay trùng lấn thì phải ánh ngay để được xử lý.

Là Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Đức Thọ năm 2020, ông Nguyễn Anh Đức đã yêu cầu chủ tịch các xã có dự án đi qua chỉ đạo công an, cán bộ địa chính nắm chắc địa bàn. Nơi nào người dân cơi nới công trình trên đất đã thông báo dự án đi qua sẽ phải chịu trách nhiệm trước huyện.

Hiện huyện Đức Thọ tìm phương án giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho giai đoạn hai của dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Số hộ dân bị ảnh hưởng ít hơn trước, nhưng đường gom, điểm kết nối cao tốc lại ảnh hưởng đến một số nhà kiên cố mới xây dựng. "Cũng khá đau đầu, nhưng chúng tôi tin sẽ tìm ra giải pháp", Phó chủ tịch huyện Đức Thọ chia sẻ.

Giải pháp nào ngăn chặn trục lợi tiền đền bù?

Một khu tái định cư ở xã Yên Hồ được chính quyền huyện Đức Thọ bố trí cho những hộ dân phải nhường đất cho cao tốc. Ảnh: Đức Hùng

Là đơn vị thực hiện nhiều dự án cao tốc Bắc Nam, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Địa phương cần lập tổ công tác chống lấn chiếm để quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, thường xuyên rà soát hiện trạng xây dựng.

Ban Quản lý dự án Thăng Long năm 2021 phối hợp với tỉnh Thanh Hóa giải phóng mặt bằng dự án Mai Sơn - quốc lộ 45. Ở một số huyện, có người bị kích động xây dựng nhà trái phép để trục lợi tiền đền bù. Thậm chí chủ đất không xây nhà mà để người khác xây và dự tính chia chác sau khi được bồi thường. Sau khi chính quyền địa phương kiên quyết xử lý, các hộ vi phạm phải tự phá dỡ.

Năm nay, Ban Quản lý dự án Thăng Long triển khai các dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi - Vũng Áng dài 99 km qua tỉnh Hà Tĩnh. Trong tháng 3, Ban đã bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt một của các dự án và sẽ tiếp tục bàn giao cho địa phương các đoạn còn lại trước 30/6. Ngoài bàn giao mốc giới cần giải phóng mặt bằng, Ban còn cung cấp hình ảnh quay flycam trên các khu vực thu hồi đất để địa phương quản lý.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông, góp ý nếu chỉ chính quyền giải phóng mặt bằng thì không đủ mà cần sự vào cuộc của các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh... Các tổ chức này đối thoại với người dân bị thu hồi đất để thuyết phục, tạo đồng thuận, giảm thiểu khiếu kiện.

"Khi người dân thấy được lợi ích của con đường mới mở thì sẵn sàng hiến đất xây đường quốc gia", ông Chủng nói, đánh giá Quảng Ninh đã rất thành công huy động toàn xã hội vào cuộc. Chính quyền cần công khai các phương án đền bù, không thay đổi giá trong ít nhất hai năm, chuẩn bị nơi tái định cư, nguồn tiền chi trả... trước khi giải tỏa. Cơ quan chức năng cũng phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chống đối, nhất là lừa dối, lạm dụng chính sách của nhà nước.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng các địa phương đã có bộ máy hành chính hoàn chỉnh đến tận thôn xóm. Nếu không ngăn được việc dân xây nhà, trồng cây để trục lợi thì chính quyền có lỗi. Hướng xử lý nên là chính quyền đến từng hộ dân, chụp ảnh hiện trạng các ngôi nhà, vườn tược sẽ giải phóng mặt bằng, nếu dân xây dựng thêm gì sau thời điểm đó sẽ bị phạt. Các cơ quan có thể trang bị máy móc để trợ giúp cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, ông Võ cũng nhìn nhận cơ chế đền bù hiện còn bất cập, chưa thỏa đáng. Cách tốt nhất là khi Nhà nước thu hồi đất, nếu không có đất cùng loại để đền bù cho dân thì có thể dùng tài sản tương đương, thay vì bằng tiền "thì người dân sẽ hưởng ứng". "Trường hợp thu hồi quá 30% đất nông nghiệp thì người dân cần được hỗ trợ đất phi nông nghiệp. Như kinh nghiệm ở Đà Nẵng, người dân không nhận tiền đền bù mà nhận nhà mặt phố hay căn hộ", ông nói.