Đồng loạt xe hợp đồng trá hình muốn vào bến, Hà Nội có kham nổi?
Nhằm ngăn tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất loại xe này phải vào bến để quản lý. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn về hạ tầng bến xe có đủ đáp ứng nhu cầu không.
Khánh Thi tự hào khoe thành tích của Phan Hiển, tiết lộ lý do tham gia liên quan đến Chí Anh
Trước đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, các đơn vị hoạt động xe hợp đồng trá hình hiện nay rất muốn vào bến. Tuy nhiên, để vào được bến xe, phải qua quá trình đăng ký suất lốt, chưa kể công suất bến xe cũng phải đáp ứng được.
Trong khi đó, đặc thù của địa phương, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, việc đăng ký, cấp lốt cũng gặp khó vì quỹ đất, hạ tầng giao thông còn hạn chế.
"Do hạn chế về hạ tầng khiến việc giải bài toán đối với sự gia tăng chóng mặt của loại hình xe hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn", ông Bằng nhìn nhận.
Nhiều đơn vị kinh doanh xe hợp đồng trá hình hiện nay muốn vào bến. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh cũng cho rằng xe hợp đồng rất muốn vào bến. Tuy nhiên, với lượng xe hợp đồng lên đến hàng trăm nghìn chiếc như hiện nay, "nếu tất cả các xe đều đồng loạt vào bến, liệu 4 bến xe ở Hà Nội có đáp ứng được hay không?".
Theo ông Dũng, mỗi tháng Công ty Vân Anh có khoảng 50.000 lượt xe nhưng nhu cầu hành khách lớn hơn nhiều, còn nhiều dư địa chưa thể khai thác do khó khăn khi xin lốt xe.
"Thực tế, để xin lốt từ các huyện ở Thanh Hóa lên Hà Nội rất vất vả, phải qua nhiều khâu. Chúng tôi đã thực hiện xin lốt xe ở Sầm Sơn nhưng cả năm nay vẫn chưa được", ông Dũng nói.
Ông Dũng nhấn mạnh, chính những vấn đề này đang gây khó khăn cho tuyến cố định, khi tuyến cố định càng khó thì xe hợp đồng càng nở rộ.
Nêu ý kiến về việc xe hợp đồng có nên vào bến hay không, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, điều mong muốn của doanh nghiệp vận tải là hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do đó, bài toán đặt ra ở đây không phải doanh nghiệp vận tải có vào bến hay không mà là khách có vào bến hay không.
Theo ông Hải, hiện nay có thực trạng tồn tại nhiều lốt ảo tại các bến xe, dẫn đến việc "anh có lốt không khai thác, người muốn vào bến lại không còn suất để vào".
Dẫn chứng tại Quảng Ninh hiện tại có tới 300 lốt không dùng nhưng doanh nghiệp khác muốn vào lại không được, ông Hải cho rằng cần phải có cách tháo gỡ để quản lý tốt hơn xe hợp đồng.
Trả lời những băn khoăn trên, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, công suất của Bến xe Nước Ngầm hiện có hơn 1.000 lốt/ngày, từ sau dịch Covid-19 thực tế chỉ còn hơn 490 lốt/ngày. Tuy nhiên, nếu xét theo danh mục công bố mạng lưới tuyến cố định hiện nay của Bộ GTVT thì Bến xe Nước Ngầm đã quá tải bởi lượng xe ảo rất lớn.
Chính vì thế, Bến xe Nước Ngầm đã đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT rà soát lại mạng lưới tuyến cố định, đề nghị bỏ quy định để 20% lốt dự phòng cho những ngày lễ, Tết; cắt bỏ lốt của những doanh nghiệp có đăng ký lốt trên mạng của Bộ GTVT mà lâu không đưa xe vào hoạt động, hoặc đăng ký mà không chạy đủ tần suất đăng ký.
"Nếu thực hiện được những điều trên, Bến xe Nước Ngầm sẽ còn hơn 500 lốt trống. Các bến xe khác, nếu tính toán lại như trên cũng sẽ còn khá nhiều lốt để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp", ông Lập thông tin.
Đại diện một số bến xe khác cũng khẳng định, nếu Cục Đường bộ cho phép cắt bỏ các lốt đăng ký lâu không đưa xe vào hoạt động thì các bến xe của Hà Nội sẽ đáp ứng đủ số lượng xe hợp đồng vào bến. Bởi vì, thống kê có khoảng 240.000 xe hợp đồng trên cả nước nhưng không phải tất cả đều chở khách lẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, bày tỏ ủng hộ các loại hình kinh doanh vận tải nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật.
“Những hành vi lách luật, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, hình thành xe dù, bến cóc cần phải xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với VietNamNet về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, để xe kinh doanh hợp đồng thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tại Nghị định 10, Cục Đường bộ đã đề xuất tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo an toàn giao thông, siết chặt việc quản lý xe kinh doanh vận tải theo hướng bổ sung quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại, từ đó nâng cao ý thức chấp hành của các doanh nghiệp.
“Vừa qua có tình trạng phù hiệu xe bị thu hồi nhưng doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu mà vẫn tiếp tục hoạt động. Tới đây sẽ bổ sung quy định các phương tiện này được cảnh báo đăng kiểm, tương tự như các xe vi phạm giao thông chưa chấp hành xử lý phạt nguội theo thông báo của CSGT; ngừng giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp chưa chấp hành nộp phù hiệu, biển hiệu.
Đồng thời, bổ sung việc thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm tốc độ 3 lần/ngày, tăng chế tài, sức răn đe so với chỉ quy định thu hồi với phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1.000km như trước đây”, ông Thống nói.
Với đề xuất đưa xe hợp đồng vào bến, ông Thống lưu ý các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần bàn bạc, đề xuất để đưa ra các giải pháp sao cho vừa đảm bảo quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải, vừa tạo thuận lợi cho người dân.
Đơn cử có thể xem xét tăng tần suất xuất bến tại các bến xe, đưa vào hoạt động xe trung chuyển đón trả người dân ra bến xe và về tận nhà, giúp giảm thời gian chờ đợi tại các bến xe, thu hút hành khách.
Ngoài ra, khi các xe kinh doanh vận tải trá hình được quản lý tốt hơn, không thể gom khách dọc đường, người dân cũng sẽ buộc phải ra bến xe.
tin liên quan
Bình luận
Tags: Hà Nội Xe hợp đồng