Độc đáo cây sanh ma làng 800 tuổi ở Hoà Bình
Bao năm qua, để đi vào xóm Liên Hòa (trước đây là thôn Suối Cốc, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình), người dân nơi đây đều phải chui phía dưới gốc cây sanh cổ thụ đứng "án ngữ" ngay đầu làng. Từng nhánh cây, kẽ lá vươn ra trở thành chiếc cổng tự nhiên cực kỳ độc đáo, những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm màn mỏng manh đung đưa trước gió.
Thoạt nhìn, rất khó để biết đâu là thân chính của cây bởi hàng loạt thân rễ to mấy người ôm cắm xuống đất khiến người ta lầm tưởng nơi đây là một cánh rừng toàn cây sanh. Mỗi nhành cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp.
Những nhánh, thân cây to vài người ôm quấn lại với nhau tạo nên dáng vẻ đặc biêt kỳ vĩ của cây sanh Suối Cốc.
Đứng phía dưới vòm cây, ngẩng nhìn lên có cảm giác như đang đứng dưới một khu rừng rậm xanh ngút ngàn với những thân, nhánh cây vạm vỡ vài người ôm mới hết vươn lên, kết tụ lại thành một khối thống nhất hướng lên trời xanh.
Từ lâu, cây được coi như "người mẹ" chung của làng, tỏa bóng mát che chở cho những người con của mình nghỉ ngơi mỗi trưa hè nóng bức mỗi khi đi làm đồng về. Nhiều người khi đến đây đều trầm trồ, thán phục và cho rằng cây sanh này là một "tuyệt phẩm" độc nhất vô nhị trên đất Việt mà tạo hóa đã ban tặng cho người dân nơi đây.
Các cụ cao niên trong làng Suối Cốc kể lại rằng vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, máy bay giặc đánh bom cày xới tan hoang khu vực này thì cây sanh đã trở thành chòi canh, chòi quan sát của lực lượng dân quân tự vệ địa phương.
Cây sanh cổ thụ có tuổi đời hơn 800 năm được xem như cổng làng tự nhiên đi vào xóm Liên Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn
Cụ Bùi Văn Thành (78 tuổi) cho biết, ngày trước mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay rền rĩ trên bầu trời, gốc cây lại trở thành chốn yên bình để cả làng chạy tới lánh nạn. Rồi biết bao thế hệ dân làng Suối Cốc đã ra đời và tồn tại nhờ sự che chở. Cây sanh như một "chứng nhân" cho bao cuộc tình đẹp của những đôi trai gái cùng tất cả những đổi thay của mảnh đất, con người nơi đây.
Chính vì ý nghĩa như vậy nên các cụ cao niên trong làng đều căn dặn con cháu, đây là báu vật mà trời ban tặng cho cả làng, không ai được đụng đến mà đời đời con cháu phải giữ gìn. Không chỉ trở thành biểu tượng mà cây sanh còn là nơi chở che, bảo vệ người dân nơi đây mỗi khi xảy ra thiên tai, địch họa.
Theo ông Đinh Văn Bình, nguyên trưởng thôn Suối Cốc cho biết, những năm trước đây, cây có trên 100 nhánh tỏa ra cả một vùng rất rộng lớn nhưng theo thời gian, cây đã bị hư hại bởi gió bão và nhất là cách đây ít lâu, khi trào lưu chơi cây sanh cổ thụ lan rộng thì đã có nhiều nhánh cây bị kẻ xấu chặt trộm nên giờ cây chỉ còn khoảng trên dưới 5 nhánh.
Với hình dáng đặc biệt, cây sanh Suối Cốc tạo hình như một chiếc cổng tự nhiên và là “tấm bình phong” che chở cho người dân nơi đây
Theo kết quả khảo nghiệm, phân tích của Viện khoa học bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam thì cây sanh Suối Cốc với 54 nhánh hiện nay đã có tuổi thọ vào khoảng hơn 800 năm. Đã gần một thiên niên kỷ trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn của cây sanh cổ thụ này.
Một số người dân địa phương cho biết, những năm trước đây, do sức hút của đồng tiền, có không ít người đã lén lút chặt trộm những nhánh sanh cổ đem bán lấy tiền. Nhưng thời gian gần đây, việc chặt hạ sanh đại thụ đem bán đã không còn diễn ra, một phần do người dân đã hiểu giá trị, một phần do cây sanh này đã nằm trong “sách đỏ” của huyện Lương Sơn và có trong hương ước của làng, xã.
Cây sanh cổ thụ ở Suối Cốc đã được nhiều đạo diễn nổi tiếng chọn làm bối cảnh quay những bộ phim nổi tiếng về làng quê Việt Nam.
Để có thể góp phần bảo vệ tốt hơn, chính quyền địa phương nơi đây đã đề ra nhiều biện pháp chăm sóc và gìn giữ cây đồng thời lập hồ sơ gửi lên các cấp để tìm hướng giải quyết. Sau nhiều lần khảo cứu và đánh giá, ngày 25/5/2012 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức trao Quyết định và Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện chính quyền địa phương, điều này khiến người dân nơi đây rất tự hào, hãnh diện vì cây sanh của làng mình đã được nhà nước tôn vinh, bảo vệ.
Không chỉ vậy, người dân nơi đây còn ưu ái đặt cho cây sanh làng mình một biệt danh là “cây sanh ma làng”. Nguyên nhân là do hình dáng đặc biệt của mình, cây sanh cổ thụ ở Suối Cốc đã được nhiều đạo diễn nổi tiếng chọn làm bối cảnh quay những bộ phim nổi tiếng về làng quê Việt Nam như “Ma làng”, “Đàn trời”,… những cảnh quay đó đã đưa người xem trở về với làng quê thanh bình của dân tộc.
-> Huyền tích cây đa hơn 800 tuổi tại Hà NộiNhóm PV
Tags: Cây sanh Suối Cốc cây sanh khổng lồ tại Lương Sơn cây sanh hơn 800 tuổi tại Lương Sơn cây sanh 800 tuổi tại Hòa Bình