Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, người lao động cần làm gì để được hưởng quyền lợi?
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, người lao động cần làm gì để được hưởng quyền lợi?
9:14 | 16/10/2023
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Vậy người lao động cần làm gì để được hưởng các quyền lợi khi bảo hiểm xã hội bị nợ đóng?
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội là gì?
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội là tình trạng doanh nghiệp không đóng đủ hoặc chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động theo quy định của pháp luật. Việc này không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn làm giảm uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Các mức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì doanh nghiệp hằng tháng phải đóng BHXH trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động như sau:
- Ốm đau và thai sản: 3%;
- Hưu trí và tử tuất: 14%;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 0,5%;
- Bảo hiểm thất nghiệp: 1%;
- Bảo hiểm y tế: 3%.
Hằng tháng doanh nghiệp phải đóng BHXH trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động. Ảnh minh họa: TL
Thời hạn nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp
Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 (sửa đổi tại Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020) quy định về thời hạn đóng BHXH của doanh nghiệp như sau:
- Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng:
Chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc;
Đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
- Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội 03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần:
Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 3 hoặc 6 tháng một lần với cơ quan BHXH;
Cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
Như vậy, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH so với thời hạn ở trên thì sẽ vi phạm về hành vi chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại Khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và xử lý theo Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải:
Nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Từ quy định trên thì doanh nghiệp có thể nợ BHXH dưới 30 ngày. Nếu có hành vi chậm nộp BHXH từ thời gian 30 ngày trở lên thì phải nộp đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng, nộp lãi và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định doanh nghiệp có thể nợ BHXH của người lao động dưới 30 ngày. Ảnh minh họa: TL
Doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt bao nhiêu?
Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng BHXH. Căn cứ theo Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3/2020 quy định:
"4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng".
Như vậy, nếu nợ đóng BHXH doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức xử phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên tối đa mức phạt không quá 75.000.000 đồng.
Cách bảo vệ quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
Việc doanh nghiệp nợ BHXH sẽ làm gián đoạn quá trình ghi nhận thời gian tham gia BHXH của người lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyền lợi về BHXH của người lao động khi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp nợ BHXH từ 30 ngày trở lên, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động sẽ bị khóa. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động khi đi khám chữa bệnh và được hưởng các quyền lợi về BHYT.
Một số cách bảo vệ quyền lợi khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội người lao động có thể tham khảo:
Kiểm tra thông tin đóng bảo hiểm xã hội
Hiện nay, người lao động có thể dễ dàng kiểm tra thông tin đóng BHXH hoặc BHYT của mình qua ứng dụng BHXH số VssID hoặc Cổng giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam để xem doanh nghiệp đã đóng BHXH cho mình hay chưa. Nếu thấy có dấu hiệu doanh nghiệp chậm đóng hoặc không đóng BHXH, người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp giải trình và khắc phục.
Khiếu nại với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc công đoàn công ty
Nếu doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không hài lòng, người lao động có quyền khiếu nại với cơ quan BHXH hoặc công đoàn. Cơ quan BHXH hoặc công đoàn sẽ tiếp nhận, xác minh và giải quyết khiếu nại theo quy trình và thẩm quyền.
Nếu cần thiết, cơ quan BHXH hoặc công đoàn có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng từ liên quan để làm rõ trách nhiệm.
Khởi kiện ra tòa
Nếu khiếu nại với cơ quan BHXH hoặc công đoàn không được giải quyết hoặc không hài lòng với kết quả giải quyết, người lao động có quyền khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Tòa án sẽ xét xử theo luật định và có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho người lao động.
Theo L.Vũ (th)
Tags: quyền lợi bảo hiểm xã hội người lao động doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội Bảo hiểm xã hội