Còn bao nhiêu người phải chết oan vì những máy chém nghênh ngang trên đường?
Tình trạng "máy chém" nghênh ngang đi "truy sát" trên đường không phải chỉ mới xảy ra gần đây, chúng tung hoành như không hề có sự giám sát nào từ cơ quan chức năng.
Vụ bác sĩ gặp tai nạn do kính rơi trong cửa hàng The Coffee House: Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 20/5, tại Đồng Nai, một vụ tai nạn giao thông do xe máy tự chế kéo chở tôn chạy ngược chiều gây nên khiến một nam thanh niên chết thương tâm. Thông tin này khiến tôi vừa rùng mình, vừa phẫn nội và tự đặt câu hỏi "Liệu còn bao nhiêu người phải chết oan ức vì những chiếc "máy chém" này trên đường?".
Mấy tháng trước, chính tôi là người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần của "cỗ máy chém" kiểu này.
Hôm đó, tôi tan làm sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị sinh nhật cho con gái. Sẽ là một buổi tiệc sinh nhật ấm cúng nếu như không gặp phải chiếc xe ba gác chở đầy những cuộn tôn sắc lẹm chiều hôm đó.
Xe xích lô chở tôn gây tai nạn khiến một bé trai tử vong ở Hà Nội.
Hàng cồng kềnh, quá khổ, chắn hết tầm nhìn của 2 chiếc gương chiếu hậu trên xe. Người đàn ông lái xe lúc này dường như chỉ có thể chạy bằng cảm tính khi chuyển làn hoặc phải ngoái đầu thật sâu, thật lâu về phía sau nếu muốn qua đường. Với tính lo xa của mình, ngay từ lúc bắt gặp chiếc xe này trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM), tôi đã chủ động giữ khoảng cách.
Thế nhưng, tới ngã rẽ vào một con đường nhỏ ở phường Hiệp Bình Phước, người đàn ông cho xe chuyển làn và ôm cua bất ngờ. Tình huống này thật sự khó xử lý đối với những người chạy xe máy phía sau như tôi.
- Rầm! - Tôi ngã sõng xoài trên đường.
Lồm cồm bò dậy trong mơ màng, tay quơ hộp bánh kem sinh nhật của con gái đã bẹp dí vì chiếc xe máy đè lên, nước mắt tôi giàn giụa rơi vì mình đã kịp phanh xe và vẫn còn sống. Người đàn ông lái xe chẳng biết là vì sợ tôi "bắt đền", hay vì cho rằng đó mặc nhiên là lỗi của người đi sau không giữ khoảng cách, nên rời đi như không có bất cứ sự va chạm nào.
Khoảnh khắc giữa sự sống - cái chết thật gần, chỉ cách độ 10cm, tôi đã "được" cảm nhận rõ rệt. Nếu như bản thân không cẩn thận, nếu như chậm đi một giây thôi, có lẽ con gái tôi đã không có một sinh nhật tuổi lên 7 trọn vẹn.
Dù người chỉ xây xước nhẹ, nhưng hình ảnh bản thân bị cứa vào những tấm tôn sắc lẹm khiến tôi bị ám ảnh nhiều ngày liền. Và cả tới bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn rùng mình.
Trường hợp của tôi, là vậy. Nhưng nhiều người không may mắn giống tôi, họ giống với chàng trai 25 tuổi xấu số ở Đồng Nai vừa rồi - bị những chiếc "máy chém" cướp đi mạng sống một cách đau đớn nhất.
Tình trạng "máy chém" nghênh ngang đi "truy sát" trên đường không phải chỉ mới xảy ra gần đây. Nhiều năm qua, những có số cụ thể đã được cập nhật rõ, nhưng đáng buồn là tỷ lệ đang tăng dần lên. Những cố máy giết người này đang ngang nhiên tung hoành như không hề có bất cứ sự giám sát nào từ cơ quan chức năng.
Dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: "Nghiêm cấm đưa xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động trên đường bộ", nhưng tình trạng "cấm cứ cấm, chạy cứ chạy" vẫn diễn ra.
Xe ba gác có được chở quá khổ, quá tải không? Hàng cồng kềnh, nguy hiểm được phép dùng những chiếc xe tự chế này vận chuyển? Xử phạt hành chính khi phát hiện sai phạm liệu có quá nhẹ hay không?... Rõ ràng, lực lượng chức năng phải mạnh tay hơn trong việc xử lý sai phạm.
Thiết nghĩ, để chấm dứt mối hiểm họa từ những "cỗ máy chém" này thì cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm. Phạt thật nặng, thậm chí có thể bỏ tù đối với những người chở các cuộn tôn, thép chằng buộc hớ hênh, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, không thể đến lúc những cái chết oan ức xảy ra mới vào cuộc xử lý.
Trong một buổi họp báo cuối năm ngoái (11/2023), một vị lãnh đạo Công an TP.HCM đã nêu ra những nguyên nhân khiến khó xử lý được dứt điểm vấn nạn xe thô sơ chở hàng cồng kềnh.
Theo vị này, xe thô sơ là loại xe đầu tư rẻ tiền, tải trọng chở khá lớn, dễ dàng di chuyển vào các hẻm nhỏ. Đây là loại phương tiện xe tự chế, khó quản lý do thường xuyên hoạt động trên địa bàn giáp ranh các tỉnh, khu vực hoạt động ở các chợ truyền thống. Người sử dụng xe thô sơ đa phần là người có thu nhập thấp, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện còn hạn chế. Ngoài ra, do nhu cầu mưu sinh nên nhiều người cố tình sử dụng các loại phương tiện này để hoạt động gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, xử lý, người vi phạm không chấp hành hợp tác làm việc, bỏ lại phương tiện gây khó khăn cho công tác tạm giữ, quá trình tịch thu, tiêu hủy. Việc thanh lý phương tiện cũng mất nhiều thời gian khiến diện tích kho bãi trở nên chật, hẹp, xảy ra tình trạng không đủ kho bãi để tạm giữ.
Như vậy, nguyên nhân chính có thể thấy rõ, là do mức độ xử lý chưa thật sự đủ răn đe? Người vi phạm vẫn hời hợt, vi phạm thì nộp phạt, phạt nặng thì bỏ xe. Thậm chí, nhiều người còn "dựa hơi" dư luận, cho mình là người nghèo, lấy lý do vì lẽ mưu sinh mà buộc phải làm.
Lý do thì có hàng trăm nghìn, nhưng mạng sống của mỗi người chỉ có một!
TinTài xế xe Thành Bưởi gây tai nạn khiến 5 người chết bị đề nghị 12-13 năm tùTheo VTC
Tags: tai nạn giao thông