Chánh tòa gia đình kể chuyện... ly hôn: Kỳ cuối
Trước đây, sau mỗi một vụ ly hôn, nhất là ở các vùng quê, người đã ly hôn sẽ phải gánh chịu áp lực dư luận rất lớn. Không cần biết lý do tại sao ly hôn, lỗi thuộc về ai, làng trên, xóm dưới sẽ bàn tán xôn xao. Nhiều người, nhất là phụ nữ vì không chịu nổi điều tiếng “bỏ chồng” hay “bị chồng bỏ” đã phải bỏ làng ra đi.
Giờ đây ly hôn không còn là hiện tượng xã hội bị kỳ thị cho dù số lượng các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ngày càng tăng sau mỗi năm. Một số kết quả điều tra, nghiên cứu ở Việt Nam thời gian gần đây cho thấy, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì có một đôi không cùng nhau đi đến cuối con đường. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước, 70% các vụ ly hôn là do phụ nữ đệ đơn.
Bắt mạch… hôn nhân
Nguyên nhân dẫn đến ly hôn có nhiều nhưng chủ yếu xuất phát từ ngoại tình, bạo lực gia đình và mâu thuẫn kinh tế. Theo thẩm phán Lê Thị Dung, chánh tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, làm “trọng tài” xử lý các vụ ly hôn phải “bắt mạch” được các triệu chứng... hôn nhân.
“Vợ chồng khi đã đưa nhau ra tòa nghĩa là hôn nhân đã đứng bên bờ vực thẳm. Khi thụ lý những vụ việc như thế, trước tiên mình phải làm bạn với họ để tìm hiểu căn nguyên, gốc dễ dẫn đến quyết định ly hôn. Nếu làm việc chỉ áp dụng máy móc các quy định của pháp luật, rất khó để hàn gắn, hòa giải hoặc giải phóng cho các đương sự một cách thấu tình đạt lý. Nghề của chúng tôi, đôi khi giống như bác sỹ tâm lý vậy”, nữ thẩm phán ví von.
Phần lớn các bà vợ đến tòa giải quyết thủ tục ly hôn chồng trong tình trạng bất ổn tâm lý. Vì thế trình bày lý do không rõ ràng, thiếu thuyết phục, thậm chí giấu diếm “tội” của chồng vì xấu hổ hoặc e ngại điều tiếng do hoàn cảnh công việc, địa vị, danh dự…Nhưng cũng có những bà vợ, hoặc ông chồng đến tòa thi nhau kể tội đối phương theo kiểu “đấu tố”, trút bỏ những uất ức, căm phẫn vì bị ức chế lâu ngày. Tất cả đều nằm trong dự liệu của những người làm công tác xét xử các vụ ly hôn, tranh chấp liên quan đến hôn nhân gia đình.
Thẩm phán Dung cho biết, nếu quá trình tìm hiểu, xác minh thấy hai người còn cơ hội để níu kéo cuộc hôn nhân, tòa sẽ tổ chức hòa giải nhiều lần bằng cách phân tích được – mất sau ly hôn. Tuy vậy, theo nữ thẩm phán, việc cứu một gia đình đổ vỡ phải đi vào thực chất, phải chữa lành được những vết thương chứ không phải chỉ là vỏ bọc của một cuộc hôn nhân được “tái cấu trúc” lại bằng các biện pháp vá víu, chằng buộc. Để rồi sau đó, lại tiếp tục gặp họ ở tòa với một lá đơn khác với lời lẽ thống thiết hơn.
Nhiều cặp vợ chồng thuộc diện “rổ rá cạp lại” những tưởng sau một lần đổ vỡ sẽ biết yêu thương, nhường nhịn, vun vén cho hạnh phúc nhưng không. Sống với nhau một thời gian, sự phức tạp khi phải dung hòa mối quan hệ “con anh, con em, con chúng ta” khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh.
“Có trường hợp hai người trông rất đẹp đôi đưa nhau ra tòa cùng 5 đứa trẻ đã khá lớn. 4 đứa lớn là con riêng còn đứa bé nhất là con chung của họ. Chính vì sự phức tạp về con cái khiến họ không thể chung sống được cho dù vẫn còn yêu nhau. Chị vợ tố anh chồng đi làm vẫn giữ… quỹ đen với ý đồ giắt lưng cho con riêng. Những vụ việc như thế không khó để chúng tôi... bắt mạch triệu chứng hôn nhân và những nỗ lực hòa giải thường không có kết quả”, nữ thẩm phán phân tích.
Kết hôn và ly hôn là quyền của mỗi người được pháp luật quy định. Trong xã hội ngày nay, ly hôn được cho là giải pháp văn minh khi hai người không còn hạnh phúc. Nó cũng là một con đường mới chứ không hẳn là ngõ cụt. Do đó, khi phải quyết định cho một cặp vợ chồng nào đó đường ai nấy đi, ngoài các thủ tục tố tụng theo quy định, những người thực thi công lý ở tòa luôn có những lời khuyên, lời chúc họ sẽ tìm được hạnh phúc mới và phải có trách nhiệm với con cái.
“Thông thường khi tiến hành thủ tục hòa giải, căn cứ vào tình hình thực tế mỗi vụ việc, chúng tôi luôn phân tích được – mất sau ly hôn. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề chăm sóc, dạy dỗ con cái. Thực tế, kể cả những gia đình có điều kiện cả về vật chất và tinh thần thì hậu ly hôn con cái vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, nhiều gia đình vì bố mẹ bỏ nhau mà con cái hư hỏng, phạm pháp”, bà Dung chia sẻ.
Nữ thẩm phán cho hay, những năm gần đây, tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ ly hôn ngày càng nhiều khiến hệ lụy càng lớn. Bởi lẽ, sau những cuộc ly hôn chóng vánh ấy, con cái họ còn rất nhỏ. Đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không đầy đủ cha mẹ gặp rất nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách…
“Chúng tôi luôn lấy những câu chuyện, ví dụ thực tế như thế để khuyên răn những cặp vợ chồng khi quyết định ly hôn. Để họ, nếu còn tình cảm, nếu có thể hàn gắn có thể rút lại quyết định của mình. Hoặc nếu ly hôn thì cũng phải dành sự quan tâm tốt nhất cho con cái”, nữ thẩm phán nói.
Nhiều “trend” ly hôn mới
Quan niệm “mẹ đơn thân” hạnh phúc trở thành trào lưu, xu hướng, được lập thành các hội nhóm trên mạng xã hội. Nhiều chị em cho rằng, phụ nữ phải biết sống cho bản thân, chứ không phải sinh ra để phục vụ một người khác giới. Và, đó là một biểu hiện sinh động của bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. Ly hôn vì thế còn được xem là giải pháp văn minh khi gia đình không còn hạnh phúc, không còn tồn tại yêu thương, sẻ chia, cùng nhau nhìn về một hướng.
Lại còn có một xu hướng khác đang hình thành trong xã hội ngày nay. Đó là việc phụ nữ muốn có con, muốn làm mẹ nhưng không muốn ràng buộc với một người đàn ông. Để đạt được mục đích, sau khi thanh xuân khép lại, họ kết hôn với một người đàn ông, sinh con xong tìm cách ly hôn cho “rảnh nợ”. Cuộc sống mẹ đơn thân, theo họ là tự do, hạnh phúc và họ lựa chọn xu hướng đó như một thứ “mốt” thời thượng.
Thẩm phán Lê Thị Dung nói, 5 năm trở lại đây, các xu hướng mới về hôn nhân gia đình liên tục xuất hiện và ngày càng phức tạp, phi truyền thống.
Bà Dung có 23 năm làm thẩm phán, từng chủ tọa hằng trăm phiên tòa liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình. Mặc dù tòa gia đình và người chưa thành niên (tỉnh Thanh Hóa) được thành lập muộn (năm 2018) và chỉ xét xử sơ thẩm các vụ án có yếu tố nước ngoài còn các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình nói chung chỉ xử cấp phúc thẩm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số vụ việc liên quan đến lĩnh vực này gia tăng ngày càng mạnh nên khối lượng công việc rất lớn, người làm công tác xét xử gặp rất nhiều áp lực về thời gian. Nhưng “nghề chọn người, mục đích cuối cùng của chúng tôi sau mỗi một vụ ly hôn là thực thi công lý đúng quy định với mong muốn gia đình, các tế bào của xã hội luôn lành mạnh”, nữ thẩm phán chia sẻ.
=> Xem thêm: Kỳ 1: Ngàn lẻ lý do lôi nhau ra tòaKỳ 2: Hệ lụy từ những chiếc giường hạnh phúc chia đôiKỳ 3: Những màn kịch ly hôn giả
Theo quy định, tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc như sau: “Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân với người chưa thành niên; các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự”.
Quang DuyTags:chuyện ly hôn, chánh tòa gia đình, nguyên nhân lý hôn, vợ chồng trẻ ly hôn,
Tags: chuyện ly hôn chánh tòa gia đình nguyên nhân lý hôn vợ chồng trẻ ly hôn mẹ đơn thân chuyen ly hon chanh toa gia dinh nguyen nhan ly hon vo chong tre ly hon me don than