Bà Vân 'Đừng làm mẹ cáu' là mẫu mẹ chồng đáng học hỏi
Đành rằng trong xã hội có mẹ chồng hay chì chiết, bắt bẻ, đe nẹt con dâu nhưng đưa lên phim làm gì, giáo dục hay dạy người ta bắt chước?
Cảnh trong phim 'Đừng làm mẹ cáu'.
Ban Giải trí báo VietNamNet ngày 21/2, tác giả Hoàng Anh có bài viết: "Không cần cảnh nóng, drama, bộ phim Đừng làm mẹ cáuvẫn hút khách”.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với phân tích của tác giả. Nhân đây tôi cũng có những suy nghĩ nhằm lý giải vì sao bộ phim Đừng làm mẹ cáu lại hút khách và phim truyền hình làm thế nào để phù hợp với đường lối văn hóa Việt Nam.
Đừng làm mẹ cáu có câu chuyện đơn giản, gần gũi với cuộc sống thật trong xã hội chúng ta. Trong phim có 3 bà mẹ: một mẹ đẻ, một mẹ chồng, một bà mẹ đơn thân (Hạnh). Họ là đại diện cho ba hình ảnh của phụ nữ Việt - thương con, quý cháu - hết lòng vì con vì cháu - cái gì cũng phần con, phần cháu - mẫu của người mẹ Việt chịu đựng, cam chịu vì con.
Đặc biệt, bà Vân - mẹ chồng của Vy không cay nghiệt như các mẫu mẹ chồng thường xuất hiện trên phim, ngược lại bà dịu dàng với con cái, ủng hộ con dâu Vy, rồi cùng con dâu đi “đánh” ghen bồ của con trai mình.
Nhân vật bà Vân nhận nhiều tình cảm của khán giả.
Đành rằng trong xã hội của ta có mẹ chồng hay chì chiết, bắt bẻ, mắng mỏ, đe nẹt con dâu nhưng đưa lên phim làm gì, giáo dục hay dạy người ta bắt chước? Hình ảnh bà Vân là mẫu mẹ chồng của ngày hôm nay, người mẹ coi con nào cũng là con, đáng học lắm chứ!
Tình cảm của người Việt kín đáo, tế nhị, không tự nhiên quá mức như người nước ngoài. Từ ngày xưa, cha ông ta đã đưa cảnh nam nữ quan họ hôn nhau trên sâu khấu nhưng không trần trụi để hai người ôm hôn mà dùng cái nón quai thao để che hai người. Thấy cảnh che nón ai cũng biết họ đang tình tứ trước mặt quan viên từ già đến trẻ của cả làng, cả tổng mà vẫn thấy đẹp, thấy vui.
Ai cũng biết rằng, khi diễn viên đóng cảnh “nóng”, nhiều người cũng khó xử lắm chứ. Tất nhiên cũng có một số người “thích” làm cảnh này, song người chồng, người yêu của bạn diễn với mình nghĩ gì khi xem cảnh đó?
Cha ông ta trong thực tế và sân khấu rất tài xử lý cảnh “chăn gối”, thậm chí đến lễ phồn thực ở một số nơi cũng tế nhị. Thị Nở và Chí Phèo trong lò gạch mặc dù “tục” mà vẫn “thanh”. Ngày nay, công nghệ rất tiên tiến, hiện đại, thiết nghĩ chúng ta cần cải tiến để người diễn không khổ mà người xem cũng thoải mái.
Đừng làm mẹ cáu không có cảnh nóng nhưng không có nghĩa là phim không hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Cái tài, cái giỏi của người làm phim là hãy học cách làm “giả” mà “thật”, “thật” mà “giả” của nghệ thuật múa rối của Việt Nam ta, con rối gỗ diễn trò mà như thật, xem mãi không chán.
Quỳnh Kool, vai Hạnh trong phim.
Đừng làm mẹ cáu đã xây dựng những nhân vật trẻ có trí tiến thủ như Hạnh - một cô gái trẻ bằng nghị lực và ham học hỏi đã giải quyết nhiều việc gỡ cho doanh nghiệp bàn thua trông thấy. Tất nhiên phim có tình huống hơi đề cao Hạnh quá nên có việc làm người ta nghĩ cô như siêu nhân.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đường lối văn hóa Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Mong sao phim ảnh nói chung, phim truyền hình nói riêng thực hiện đúng đường lối văn hóa Việt Nam!
Độc giả Đỗ Hữu DiênĐộc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm bài viết đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!
Mẹ bé Happi 'Đừng làm mẹ cáu': Tôi không bao giờ hạ giá conChị Ly Ly, mẹ bé An Nhiên - cô bé đang được yêu thích với vai Happi trong 'Đừng làm mẹ cáu' có kế hoạch riêng để quản lý mức thù lao 'khủng' mà con gái kiếm được ở tuổi lên 6.
Tags: Đừng làm mẹ cáu bà Vân Đừng làm mẹ cáu Quỳnh kool Quỳnh Lương Nhan Phúc Vinh phim Đừng làm mẹ cáu Phim phim truyền hình phim Việt Nam phim truyền hình Việt Nam diễn đàn phim Đừng làm mẹ cáu